Mục lục nội dung
Hy thiêm hay Cỏ đĩ thực chất là cây Chó đẻ hoa vàng. Đây là dược liệu vị cay, tính hàn, độc nhẹ thường được sử dụng trong các bài thuốc Đông y để điều trị cảm mạo, huyết áp cao hoặc phong thấp, đau nhức xương khớp.
- Tên gọi khác: Cứt lợn hoa vàng, Hy tiên, Cỏ đĩ, Chó đẻ, Hy kiểm thảo, Nụ áo rìa, Lưỡi đồng, Chó đẻ hoa vàng, Hỏa hiêm thảo,…
- Tên khoa học: Sigesbeckia Orientalis
- Họ: Cúc – Asteraceae
Mô tả dược liệu Hy thiêm thảo
1. Đặc điểm sinh thái
Hy thiêm thảo thân thảo, sống hàng năm, cao khoảng 30 – 40 cm, có khi đến 1 mét. Thân màu xanh lục, phân thành nhiều cành, có lông tuyến mịn, mùi hôi nhẹ tựa như phân heo, nên được gọi là cỏ Cứt lợn hoa vàng.
Lá cây mọc đối, có hình như quả trám, có khi có hình tam giác hoặc hình thoi mũi mác. Lá dài khoảng 4 – 10 cm, rộng 3 – 6 cm, cuống lá ngắn, đầu nhọn, mép lá răng cưa không đều, có 3 gân chính lớn, mặt dưới lá phủ một lớp lông mịn.
Hoa Hy thiêm màu vàng, mọc thành cụm, cuống hoa có lông tuyến dính. Tuyến lông này có thể dính vào người nếu chạm vào, do đó còn được gọi là Cỏ đĩ. Quả bế, màu đen, thuôn, có hình trứng, dài khoảng 3 mm và rộng 1 mm.
Mùa hoa Hy thiêm thảo khoảng tháng 4 – 5 đến tháng 8 – 9, mùa quả khoảng tháng 6 – 10.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Toàn thân Hy thiêm thảo được sử dụng để làm thuốc.
3. Phân bố
Cây Cỏ đĩ thường mọc ở vùng đất tương đối ẩm và màu mờ, trên các nương rẫy, đồng ruộng, bãi bồi, thung lũng. Cây thường được tìm thấy đầu tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản, Philippin, các nước châu Úc và nhiều nước khác cũng có sự xuất hiện của Cỏ đĩ.
Tại Việt Nam, Cỏ đĩ thường được tìm thấy ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình.
4. Thu hái – Sơ chế
Hy thiêm thảo thường được thu hái trước khi cây ra hoa hoặc khi cây bắt đầu ra hoa. Thời gian thích hợp để thu hái vào khoảng tháng 4 – 5 tùy vào môi trường sinh trưởng của cây.
Sau khi thu hái mang về phơi khô hoặc để bóng mát, bó thành từng bó nhỏ, bảo quản dùng dần.
5. Bảo quản dược liệu
Cỏ đĩ rất dễ mục nát và bị nấm mốc, do đó bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, không ráo, tránh độ ẩm cao và nước trực tiếp. Thỉnh thoảng có thể mang dược liệu ra phơi nắng để tránh gây biến chất dược liệu.
6. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong Hy thiêm bao gồm:
- Daturosid
- Orientin
- Darutigenol
- Alkaloid
- Melampolid
- Chất đắng Darutin
Vị thuốc Hy thiêm
1. Tính vị
Hy thiêm tính hàn, vị đắng, cay, chứa một lượng độc nhỏ.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Can và Thận.
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu của y học hiện đại:
- Dược liệu có tác dụng hạ huyết áp, làm giãn tĩnh mạch, kháng viêm, ức chế hệ thống miễn dịch.
Theo Y học cổ truyền:
- Chữa can thận phong khí, chân tay tê nhức, đau mỏi lưng gối, đau xương, cơ nhục tê khó khỏi (theo Sách Đồ Kinh Bản Thảo).
- Trừ thấp, khu phong, kiêm hoạt huyết (theo Sách Bản Thảo Kinh Sơ).
- Trừ phong thấp, thông kinh lạc, thanh nhiệt, giải độc.
Tác dụng của cây Hy thiêm:
- Chủ trị ung nhọt sang độc, thấp chẩn, chứng phong thấp tê liệt tay chân.
- Lợi gân cốt, hạ huyết, khu phong thấp, giảm đau, giảm độc tố, an thần.
- Điều trị rắn rết cắn, mất ngủ, phong thấp.
4. Cách dùng – Liều lượng
Cỏ đĩ có thể dùng sắc uống trong hoặc đắp ngoài, tán thành bột, làm thành hoàn. Vị thuốc có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với nhiều vị thuốc khác làm thành thuốc thang.
Liều dùng: 3- 4 chỉ mỗi ngày.
Bài thuốc sử dụng cây Hy thiêm
1. Chữa đinh nhọt, sưng đau
Cỏ đĩ thu hái vào Tế Đoan Ngọ, phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng nửa lượng uống với rượu nóng. Nếu ra mồ hôi là thuốc có hiệu quả (theo Tập Giản Phương).
2. Chữa lở loét ngứa, ung nhọt sưng độc
Dùng một lượng Cỏ đĩ(thu hái vào Tết Đoan Ngọ), 1 lượng Nhũ hương, nửa lượng Bạch phàn (phi), tán thành bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ với rượu nóng cho đến khi vết lở loét lành (theo Càn Khôn Bí Uẩn Phương).
3. Chữa tiêu chảy do cảm mạo, phong hàn, chữa phong khí vào tràng gây tiêu chảy
Sử dụng Hy thiêm thảo tán thành bột mịn rồi trộn với hồ giấm làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng uống 30 viên với nước đun sôi để nguội (theo Hỏa Thiêm Hoàn – Thánh Tế Tổng Lục).
4. Chữa phong thấp
Dùng Hy thiêm dược liệu 100 g, 50 g Thiên niên kiện, 1 lít rượu và một lượng đường vừa đủ nấu thành cao. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần một ly nhỏ trước bữa ăn chính.
5. Chữa chứng ăn vào là nôn mửa
Dùng Cỏ đĩ sấy khô tán thành bột mịn sau đó trộn với mật ong làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu ngô, dùng uống với nước ấm.
6. Chữa phong tê thấp, đau nhức xương khớp, tê mỏi tay chân
Sử dụng Cỏ đĩ, Bạch mao đằng, mỗi vị 3 chỉ, Ngưu tất (hoặc Xú ngô đồng) 5 chỉ, sắc uống mỗi ngày một thang.
7. Chữa phong thấp, miệng méo mắt xiên
Dùng 4 lượng Cỏ đĩ, tán thành bột, chưng khoảng 9 lần, trộn với mật ong làm thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng uống 2 chỉ với rượu nóng, mỗi ngày uống 3 lần.
8. Chữa miệng méo, sùi bọt mép, sử dụng lâu giúp mạnh gân cốt, đen râu tóc
Sử dụng cành lá non của Cỏ đĩ mang đi rửa sạch, hong phơi 9 lần, sao khô, tán thành bột mịn, hòa với mật ong làm thành viên hoàn kích thước to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 40 viên uống với nước cơm hoặc rượu ấm.
9. Chữa rắn rết cắn, xuất huyết, đinh nhọt sưng tất
Sử dụng Hy thiêm thảo giã nát sau đó dùng đắp lên vết thương.
10. Bài thuốc chữa phong hàn, cảm mạo
Sử dụng Cỏ đĩ 3 chỉ, Lục nguyệt sương 5 chỉ, Thông bạch 2 chỉ, Tử tô 3 chỉ, sắc lấy nước dùng uống.
11. Trị mất ngủ, an thần, suy nhược thần kinh
Sử dụng Cỏ đĩ 5 chỉ, Hoa hòe 5 chỉ sắc thành thuốc, dùng uống khi còn ấm.
12. Chữa viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp
Sử dụng 4 lượng cỏ đĩ sắc thành nước cốt, gia thêm đường đen nấu thành cao. Mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần dùng 1 chén nhỏ.
13. Bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp, tay chân tê mỏi
Dùng 10 lượng bột Hy thiêm thảo, 9 lượng cao mềm Hy thiêm, bột Xuyên khung 2 lượng, bột Thiên niên kiện 3 lượng, trộn đều, gia thêm mật ong làm thành viên hoàn. Mỗi lần sử dụng 4 – 5 viên, mỗi ngày dùng 2 lần.
14. Chữa phong thấp, đau nhức xương gân cốt
Sử dụng 3 chỉ Cỏ đĩ, Bạch mao đằng 3 chỉ, Ngưu tất 5 chỉ, sắc thành thuốc dùng uống trong ngày.
15. Chữa gối mỏi, lưng đau nhức
Dùng 50 g Cỏ đĩ, Thổ phục linh 20 g, Lá lốt 10 g, Ngưu tất 20 g, mang tất cả đi sao vàng, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10 g, 3 lần mỗi ngày.
16. Trị ung nhọt phát bối
Sử dụng Cỏ đĩ, Đại toán, Ngũ diệp thảo, Dã hồng hoa, mỗi vị phân lượng bằng nhau, sau đó giã nát, lấy nước dùng.
17. Chữa cảm mạo
Sử dụng 12 g Hy thiêm thảo, Tía tô 12 g, Hành 8 g, sắc với 550 ml nước lọc, đến khi còn 250 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang liên tục trong 5 ngày.
18. Chữa mất tiếng do nhiễm gió
Sử dụng Hy thiêm thảo phơi khô, sao vàng, tán thành bột mịn, trộn với mật ong, làm thành viên hoàn. Mỗi ngày sử dụng 3 – 6 g, dùng với nước đun sôi để nguội, sau bữa ăn chính.
19. Chữa huyết áp cao, tăng huyết cao
Dùng 8 g Cỏ đĩ, Thảo quyết minh, Trạch tả, Ngưu tất, Hoàng cầm, mỗi vị 6 g, Long đởm thảo 4 g, sắc với 700 ml nước, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang, duy trì trong 10 ngày liên tục.
20. Chữa bán thân bất toại
Dùng cành và lá non Hy thiêm thảo thu hái trước khi ra hoa sao vàng, tán bột, gia thêm mật làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng uống 3 – 6 viên, nếu uống được rượu có thể cho thêm rượu để chiêu thuốc. Uống thuốc sau bữa ăn chính.
21. Chữa phát bổi, lên mụn đầu đinh sưng đau ở sau lưng
Dùng Hy thiêm thảo, Tiểu kế, Ngũ long trảo, Đại toán, mỗi vị đều 4 g, giã nát, cho thêm 1 chén rượu nóng, chắt lấy phần nước, dùng uống.
Kiêng kỵ khi sử dụng Hy thiêm thảo
Người không có phong thấp thuộc âm hư không được sử dụng.
Hy thiêm thảo kỵ sắt.
Hy thiêm thảo là vị thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh phong thấp, tê mỏi tay chân, cảm mạo và một số bệnh ngoài da. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc về liều lượng và cách sử dụng.
Review Hy thiêm – Cỏ đĩ
Chưa có đánh giá nào.