Mục lục nội dung
Tâm sen là dược liệu được lấy từ hạt của cây sen có công dụng an thần, giải nhiệt, hạ áp, trấn tâm. Nó được sử dụng làm thuốc trong Đông y với tên gọi là liên tâm.
- Tên gọi khác: Liên tâm, tim sen, liên tử tâm
- Tên khoa học: Embryo Nelumbinis
Mô tả về tâm sen
Tâm sen là gì?
Tâm sen (hay còn gọi là liên tâm, tim sen) là phần mầm của cây sen được tách ra từ hạt. Đây vừa là dược liệu quý trong Đông y, vừa được người dân sử dụng như một loại trà.
Cây sen là một loại thực vật có hoa, mọc dưới nước. Thân rễ hình trụ, mọc ăn sâu xuống dưới lớp bùn được gọi là ngó sen (ngẫu tiết ). Lá sen hình tròn, đường kính rộng khoảng 60cm, trũng ở giữa, có cuống dài, mọc vươn cao qua mặt nước, được đông y sử dụng làm thuốc với tên gọi là liên diệp.
Hoa sen có nhiều cánh xếp chồng lên nhau, màu trắng hoặc đỏ hồng. Hoa mới mọc thì các cánh úp vào nhau ôm lấy đài hoa tạo thành búp. Sau đó bung nở và xòe rộng ra hai bên. Quả chứa nhiều hạt được gọi là liên nhục. Bên ngoài hạt sen được bao bọc bằng một lớp vỏ màu xanh, nhẵn. Nhân hạt màu trắng đục, có hai mảnh, khi tách đôi sẽ thấy chồi mầm bên trong được gọi là tâm sen.
Đặc điểm dược liệu
Tâm sen được tạo thành từ 4 mảnh lá non xếp gập vào nhau tạp thành một khối hình trị, nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 10mm ( bằng hoặc nhỏ hơn chiều dài hạt sen một chút ), đường kính tim sen khoảng 1mm.
Một đầu tâm sen có màu xanh lục sẫm, đầu còn lại màu vàng tươi chính là phần sẽ phát triển thành rễ và thân của cây sen sau này.
Phân bố
Cây sen ưa sống trong nước nên thường mọc hoang ở những nơi có nước. Cây phát triển mạnh ở các khu vực nhiệt đới, đặc biệt là các nước châu Á như: Việt Nam, Thái lan, Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ…
Ở nước ta, sen được trồng nhiều trong các ao, hồ, đầm lầy để làm dược liệu, thực phẩm hay làm trà. Một số nhà còn trồng sen trong các chậu chứa đầy nước để làm cảnh vì hoa sen rất đẹp.
Bộ phận dùng
Cả tâm sen, lá sen, củ sen hay ngó sen đều có thể dùng được.. Trong đó tâm sen được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc với tên gọi là liên tâm.
Thu hoạch – Sơ chế
Tâm sen được thu hoạch sau thời điểm ra hoa, thường là vào mùa hè. Những quả sen đã chín già sẽ được cắt về gỡ lấy hạt. Sau đó lột bỏ lớp vỏ bên ngoài hạt, tách làm đôi lấy phần mầm sen màu xanh bên trong.
Dược liệu được đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ từ 40 – 50 độ C cho đến khi khô.
Bào chế thuốc
Liên tâm được đem sao vàng trước khi sử dụng để khử độc tố có trong dược liệu. Cách sao tâm sen như sau:
- Đầu tiên, bạn bắc chảo lên bếp, bật lửa để làm nóng chảo
- Vặn nhỏ lửa, cho tâm sen vào chảo, dùng đũa đảo đều tay sao cho đến khi tâm sen ngả vàng và tỏa ra hương thơm. Lúc này, hãy lấy một vài cái tâm sen ra bẻ thử, nếu tâm sen giòn, bên ngoài màu vàng nhưng vẫn giữ được màu xanh bên trong là đạt chuẩn. Tắt bếp
- Chuẩn bị sẵn một cái mâm có lót giấy phía dưới và đổ dược liệu vừa sao ra, dàn mỏng cho nguội hoàn toàn
- Cất vào lọ có nắp đậy kín để dùng dần.
Thành phần hóa học của tâm sen
Dược liệu chứa các hoạt chất hóa học như sau:
- Asparagin
- Neferin
- Alkaloid
- Pronuxiferin
- Nelumbin – chất làm nên vị đắng của tâm sen
- Metylcoripalin
- Lotusin
- Acid amin…
Vị thuốc tâm sen
Tính vị
Quy kinh
Dược liệu quy vào kinh Tâm
Tâm sen có tác dụng gì?
– Theo y học cổ truyền:
Đông y ghi nhận, tâm sen có công dụng thanh nhiệt tạng tâm ( thanh tâm ), an thần, trấn kinh, làm cho tinh thần luôn được thư thái giúp dễ ngủ, ngủ ngon nhất.
- Tác dụng thanh tâm: Dược liệu có tính hàn nên có lực giải nhiệt tạng tâm tương đối mạnh. Chủ trị các chứng bệnh do ôn nhiệt, tà nhiệt bị giữ lại ở lớp màng bên ngoài của tạng tâm. Biểu hiện nhận biết của các chứng bệnh này là sốt, nói lảm nhảm, chóng mặt. Tâm sen có thể phối hợp cùng các dược liệu khác là hắc sâm ( huyền sâm ) hay mạch môn để tăng công hiệu.
- Trấn kinh, an thần: Dược liệu thường được kết hợp cùng các vị sơn táo nhân, trách bách diệp để điều trị cho các trường hợp bị phiền muộn, lo âu dẫn đến mất ngủ, choáng váng đầu óc, hoa mắt, tim đập nhanh và mạnh, hồi hộp.
- Giúp dễ ngủ: Tâm sen thích hợp cho người bị mất ngủ có cơ địa thực nhiệt. Nhóm đối tượng này có biểu hiện mới mất ngủ, trong người bốc hỏa, chất lưỡi đỏ, táo bón, khô miệng
Ngoài ra, các tài liều y thư cổ còn ghi chép lại, tim sen có khả năng giáng áp, sáp tinh, cầm máu. Chủ trị bệnh cao huyết áp, thổ huyết, di tinh, mộng tinh ở nam giới.
– Công dụng của tâm sen theo nghiên cứu hiện đại:
- Chất Asparagine trong tâm sen có tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp. Điều này có lợi cho bệnh nhân bị cao huyết áp, bí tiểu.
- Hoạt chất Alkaloid được tìm thấy trong dược liệu giúp an thần, trấn tĩnh, cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy dịch chiết từ tâm sen thể hiện rõ tác dụng cường tim đối với động vật được thí nghiệm.
Cách dùng
Hãm trà, sắc uống độc vị hoặc phối hợp cùng các dược liệu khác
Liều lượng
4 – 10g mỗi ngày
Độc tính
Chất alkaloid trong tâm sen mặc dù có tác dụng an thần, chữa mất ngủ nhưng lại có tính độc. Vì vậy, sử dụng dược liệu này không đúng cách có thể bị ngộ độc và nhiều tác hại khác cho sức khỏe.
Bài thuốc chữa bệnh có tâm sen
1. Chữa cao huyết áp
- Lấy 4g liên tâm sao vàng, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày
- Để tăng hiệu quả có thể kết hợp với hoa hòe (sao vàng ) hạt muồng ( sao vàng ) sắc lấy nước đặc uống
- Dùng đều đặn hàng ngày có tác dụng điều hòa nhiệt độ trong cơ thể, giảm huyết áp bằng cách làm giãn mạch, giảm áp lực cho thành mạch khi máu đi qua.
2. Điều trị mất ngủ cho các trường hợp có biểu hiện nóng trong, tiểu tiện ít
- Chuẩn bị 8g tâm sen, 5g cam thảo
- Cả hai cho vào cối tán nhuyễn thành bột, pha với 200ml nước sôi
- Để nguội, uống hết trong ngày chữa mất ngủ
3. Tâm sen an thần, giúp ngủ ngon
- Dùng thang thuốc gồm các vị: 5g tim sen ( sao thơm ), 20g lá cây vông nem ( sấy khô ), 10g táo nhân (sao đen), 10g hoa lài tươi.
- Trừ hoa lài, tất cả tán thành bột, trộn với nhau cho đều rồi đem hãm với 1 lít nước sôi
- Chờ cho nước nguội bớt rồi tiếp tục thả hoa nhài tươi vào
- Chia uống nhiều lần trong ngày có tác dụng ngủ ngon và sâu giấc
4. Điều trị khó ngủ, tâm phiền muộn không yên, căng thẳng, lo âu, hồi hộp
- Chuẩn bị: 8g tâm sen, 20g thảo thuyết minh (sao khô), 15g tóc tiên
- Cả 3 cho vào ấm, chế lượng nước sôi vừa đủ vào
- Ủ trà khoảng 20 phút sau gạn uống dần. Trong thời gian sử dụng thuốc cần kiêng các chất kích thích như cà phê, nước chè đặc để đạt được hiệu quả tốt nhất.
5. Tâm sen hạ huyết áp, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
- Lấy 3g liên tâm cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi vào ủ 15 phút cho các hoạt chất trong dược liệu được giải phóng ra nước
- Gạn uống làm 2 lần có tác dụng điều trị cao huyết áp, ổn định nhịp tim và hỗ trợ chữa trị các bệnh lý về tim mạch
6. Dưỡng tâm, an thần, chữa trị các chứng bệnh do huyết nhiệt gây ra
- Kết hợp 5g tâm sen với 100g gạo tẻ
- Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu chung với tâm sen thành cháo
- Khi cháo nhừ, thêm vào một chút đường phèn
- Ăn 2 – 3 lần trong ngày
- Có thể dùng thuốc cho người già bị suy nhược cơ thể, táo bón mãn tính
7. Điều trị di tinh mộng tinh ở nam giới, đau lưng, ù tai khó nghe, nước tiểu vàng đậm màu
- Áp dụng bài thuốc gồm các thành phần tâm sen 8g, hắc đại đậu ( đỗ đen) 20g , khiếm thực 16g, liên nhục (hạt sen) 16g, quả dành dành ( sao ) 12g, hạt cây hoa hòe 10g.
- Sắc các vị trên với 500ml nước lấy 300ml. Chia uống vào buổi sáng, trưa, tối trong 10 ngày liên tục
8. Điều trị bí tiểu
- Dùng 8g liên tâm và 5g quốc lão
- Cho cả hai và ấm, đổ thêm 1 lít nước vào sắc kỹ trong vòng 2 tiếng.
- Chờ thuốc nguội, chia 3 phần uống sau các bữa ăn chính khoảng 30 phút
- Uống thuốc cho đến khi đi tiểu được bình thường thì ngưng.
9. Chữa di tinh, thận hư
- Chuẩn bị: Liên tâm, tổ bọ ngựa (tang phiêu phiêu), đồng tật lê, kim anh tử mỗi vị từ 1 – 3g
- Cho tất cả vào ấm sắc với 200ml nước trong 10 phút
- Gạn thuốc uống mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng sớm giúp nâng cao chức năng của thận, cải thiện các rối loạn trong hoạt động tiểu tiện như bí tiểu, khó tiểu, tiểu rắt.
10. Chữa chảy máu cam, sốt cao gây mê man, thanh nhiệt, giải độc
- Kết hợp liên tâm với địa hoàng, rễ cỏ tranh ( mao căn ), tê giác và một số dược liệu khác, mỗi thứ 1- 3g
- Hãm với nước sôi và ủ 20 phút
- Uống mỗi ngày một lần
Những lưu ý khi dùng tâm sen để trị bệnh
Không thể phủ nhận tâm sen có nhiều công dụng quý cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng sử dụng được dược liệu này. Bên cạnh đó, việc dùng dược liệu không đúng cách cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Đối tượng không nên dùng tim sen:
- Người bị huyết áp thấp: Dược liệu có tác dụng hạ áp nên không thích hợp cho bệnh nhân bị huyết áp thấp
- Người mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa: Tâm sen chứa nhiều chất dinh dưỡng nên nếu sử dụng cho những người đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa sẽ khiến đường ruột khó hấp thu. Từ đó gây nên tình trạng khó tiêu, đầy bụng.
- Các trường hợp bị dị ứng, quá mẫn với thành phần của liên tâm: Những đối tượng này nếu dùng sẽ gặp phải các phản ứng dị ứng toàn thân như: Da nổi mẩn ngứa, mề đay, buồn nôn, ói mửa, đau tức ngực, khó thở hoặc nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ.
- Bệnh nhân bị mất ngủ có cơ địa hư nhược hoặc thể hàn. Triệu chứng nhận diện là ngủ hay mê sảng, ngủ không yên giấc, dễ tỉnh dậy nhiều lần trong đêm, cơ thể mệt mỏi, ăn kém, ưa ấm, sợ lạnh, chất lưỡi nhợt nhạt. Những đối tượng này nếu dùng tâm sen sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời dẫn đến tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
- Người có tỳ vị hư yếu không nên dùng: Biểu hiện bệnh là đi ngoài phân sống, tiêu lỏng, mất cảm giác ngon miệng, đầy bụng.
- Người có thể hư nhiệt với biểu hiện suy nhược cơ thể, khó đi cầu, giọng nói thều thào, sốt nhẹ hoặc không sốt tránh dùng tâm sen.
Uống trà tim sen nhiều có tốt không?
Ngày nay, nhiều người sử dụng tâm sen để pha trà uống hàng ngày. Tuy nhiên thói quen này không được khuyến khích bởi nếu dùng dược liệu lâu dài hoặc pha trà quá liều lượng cho phép chẳng những không tốt cho sức khỏe mà còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Mệt mỏi
- Rối loạn nhịp tim
- Suy giảm trí nhớ
Chưa kể, việc bào chế tâm sen không đúng cách khiến độc tố alkaloid chưa được loại bỏ hết. Chất độc tích tụ trong cơ thể nhiều dẫn đến ngộ độc gan, thận và phá hủy các tế bào óc làm suy giảm trí nhớ trầm trọng, thậm chí là mất trí nhớ.
Chính vì vậy, dù là dùng tâm sen để pha trà hàng ngày, bạn cũng cần thận tham vấn ý kiến của các thầy thuốc Đông y để được hướng dẫn liều lượng và thời gian dùng hợp lý. Tránh uống trà tim sen quá mức khiến dược liệu này trở thành thuốc độc.
Một số lưu ý khác khi dùng tâm sen
- Sử dụng dược liệu có nguồn gốc rõ ràng. Nếu tâm sen có biểu hiện ẩm ướt, bị đổi màu, biến chất thì không nên dùng để tránh nguy cơ bị nhiễm độc.
- Để giảm bớt tính hàn cũng như trừ khử độc tính của dược liệu thì nên sao vàng trước khi dùng.
- Trong những ngày đầu sử dụng, nên hãm loãng rồi tăng dần độ đặc của nước sắc tâm sen cho đến khi thấy được hiệu quả rõ rệt thì giữ nguyên ở liều lượng này. Nếu có các biểu hiện như đánh trống ngực, nhịp tim mạnh, hồi hộp thì có nghĩa là lượng tâm sen bạn dùng đang vượt quá ngưỡng thích nghi của cơ thể, cần giảm bớt dược liệu xuống.
- Khi dùng liên tâm chữa mất ngủ hay các bệnh lý khá, nếu quá một tuần mà không thấy bệnh tình tiến triển thì không nên tiếp tục sử dụng. Tránh dùng tâm sen liên tục trên một tháng khiến cơ thể tích lũy nhiều độc tố.
Tham khảo thêm:
Review Tâm sen
Chưa có đánh giá nào.