Mục lục nội dung
Dứa dại (dứa rừng) thường được sử dụng để chữa bệnh sỏi thận và viêm đường tiết niệu. Ngoài ra, dứa dại cũng có thể được sử dụng ở dạng dùng ngoài để điều trị bệnh trĩ, thấp khớp và mụn nhọt ngoài da.
- Tên gọi khác: Dứa rừng, Dứa gai, Dứa núi.
- Tên khoa học: Pandanus tectorius Sol.
- Họ: Dứa dại (danh pháp khoa học: Pandanaceae)
Mô tả dược liệu dứa dại
1. Đặc điểm và Hình ảnh cây dứa dại
Dứa dại có chiều cao từ 3 – 4m, lá mọc ở đầu nhánh. Mép lá gai sắc nhọn, hình bản, chiều dài khoảng 1 – 2m. Bông mo có màu trắng, mọc đơn độc và có mùi thơm đặc trưng. Quả hình trứng, màu vàng cam, có cuống, bề mặt quả sần sùi.
Hình ảnh cây dứa dại:
2. Bộ phận dùng
Rễ, hoa, quả, lá và đọt non của cây đều có thể được sử dụng để làm thuốc.
3. Phân bố
Dứa dại phân bố nhiều Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Loài thực vật này ưa sống ở những vùng đất có độ mặn cao như dọc bờ ngòi nước mặn, bờ bụi ven biển,…
4. Thu hái – sơ chế
- Có thể thu hái lá, đọt non và rễ của cây quanh năm. Nếu dùng rễ chỉ thu hoạch những rễ bám đất, không nên dùng rễ nằm sâu dưới đất. Sau đó đem về thái mỏng, sấy và phơi khô dùng dần.
- Quả nên thu hái vào mùa đông, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
5. Bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Khi chưng cất lá bắc và hạt phấn hoa của dứa dại, người ta thu được những thành phần hóa học sau: Nước thơm, hương liệu, 70% tinh dầu (methyl ether, benzyl benzoate, benzyl acetate, benzyl salicylate, linalool, benzyl alcohol, aldehyde,…
Vị thuốc dứa rừng (dứa dại)
1. Tính vị
- Quả có vị ngọt, tính bình.
- Rễ có vị ngọt nhạt, tính mát.
- Đọt có vị ngọt, tính hàn.
- Hoa có vị ngọt, tính lạnh.
2. Quy kinh
Đọt cây dứa rừng quy vào kinh Bàng quang, Tiểu trường, Phế và Tâm.
3. Tác dụng dược lý của quả dứa rừng
– Tác dụng của quả dứa dại theo Đông Y:
- Quả có tác dụng cường tâm, phá tích trệ, ích huyết, giải độc rượu, bổ tỳ vị và tiêu đờm.
- Đọt có tác dụng lương huyết, sinh cơ, thanh nhiệt, tán nhiệt độc, sinh cơ và chỉ huyết.
- Hoa có tác dụng trừ thấp nhiệt, thanh nhiệt, cầm tiêu chảy do nhiệt độc và lợi thủy.
- Chủ trị: Sỏi thận, cảm sốt, viêm đường tiết niệu, thấp khớp, lòi dom, đinh râu, ho,…
– Tác dụng của quả dứa dại theo nghiên cứu hiện đại:
4. Cách dùng – liều lượng
Có thể dùng dứa dại ở dạng sắc uống hoặc dạng đắp ngoài. Nếu dùng uống, bạn nên sử dụng theo liều lượng như sau:
- Quả dứa rừng: 30 – 40g/ ngày
- Đọt non cây dứa rừng: 20 – 30g/ ngày
- Rễ cây dứa rừng: 10 – 15g/ ngày
Bài thuốc trị bệnh từ lá, rễ, quả, hạt và thân cây dứa dại
1. Bài thuốc trị đau nhức do chấn thương
- Chuẩn bị: Rễ dứa dại.
- Thực hiện: Đem giã nát và đắp lên chỗ bị thương, sau đó cố định lại. Thay băng 1 lần/ ngày.
2. Bài thuốc trị chứng xơ gan cổ trướng và phù thũng
- Chuẩn bị: Cỏ lưỡi mèo và rễ cỏ xước mỗi vị từ 20 – 30g, rễ dứa rừng 30 – 40g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng 1 thang/ ngày.
3. Bài thuốc trị ho do cảm mạo
- Chuẩn bị: Hoa dứa rừng 4 – 12g hoặc dùng quả dứa rừng 10 – 15g.
- Thực hiện: Đem sắc nước uống, dùng liên tục cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
4. Bài thuốc trị chứng phù thũng, tiểu buốt, tiểu ra sỏi, máu,…
- Chuẩn bị: Thân non của cây dứa dại 15 – 20g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng thay nước trà hằng ngày.
5. Bài thuốc trị chân tay vật vã, nóng, người bồn chồn
- Chuẩn bị: Cỏ bấc đèn 6g, xích tiểu đậu 30g, búp tre 15 cái và đọt non của cây dứa dại 30g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống.
6. Bài thuốc trị vết loét sâu gây hoại tử xương
- Chuẩn bị: Đọt dứa dại.
- Thực hiện: Giã và đắp vào vết thương. Bài thuốc này có tác dụng hút mủ và tăng tốc độ hồi phục vết thương.
7. Bài thuốc trị chân tay lở loét lâu ngày
- Chuẩn bị: Đậu tương và đọt non của cây dứa rừng, các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem giã nát và đắp vào chỗ lở loét. Thực hiện hằng ngày để chống nhiễm trùng và làm liền vết loét.
8. Bài thuốc trị bệnh lòi dom (bệnh trĩ)
- Chuẩn bị: Rễ và đọt non của cây dứa dại.
- Thực hiện: Giã và đắp lên búi trĩ liên tục trong vòng 30 ngày.
9. Bài thuốc giúp bổi bổ sức khỏe
- Chuẩn bị: Quả dứa rừng.
- Thực hiện: Thái lát mỏng và ngâm rượu uống.
10. Bài thuốc trị bệnh tiểu đường, tiểu buốt và đục
- Chuẩn bị: Quả dứa rừng khô 20 – 30g.
- Thực hiện: Thái nhỏ và hãm với nước uống thay trà.
11. Bài thuốc trị bệnh viêm gan do siêu vi
- Chuẩn bị: Nhân trần, quả dứa dại, cốt khí củ mỗi vị 12g, cam thảo 4g, ngũ vị tử 6g, trần bì và diệp hạ châu mỗi vị 8g.
- Thực hiện: Đem sắc với 1 lít đun còn 450ml. Mỗi lần dùng 150ml, ngày dùng 3 lần, nên uống thuốc khi bụng đói.
12. Bài thuốc trị chứng say nắng và cảm nắng
- Chuẩn bị: Quả dứa rừng 10 – 15g.
- Thực hiện: Sắc uống.
13. Bài thuốc trị mắt sinh màng mộng khiến khả năng nhìn suy giảm
- Chuẩn bị: Quả dứa dại.
- Thực hiện: Đem ngâm với mật ong, mỗi ngày ăn 1 quả. Sử dụng liên tục trong vòng 1 tháng.
14. Bài thuốc trị chứng kiết lỵ
- Chuẩn bị: Quả dứa rừng 30 – 60g.
- Thực hiện: Sắc uống.
15. Bài thuốc trị cảm nóng và nhức đầu
- Chuẩn bị: Lá duối, cỏ mần trầu, lá sắn dây và lá tre mỗi vị 20g, rau má 40g và lá dứa dại 30g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 2 lần.
16. Bài thuốc trị mẩn ngứa, viêm da
- Chuẩn bị: Sâm đại hành và dây tơ hồng xanh mỗi vị 40g, vòi voi, rau má, bồ công anh và cỏ chỉ thiên mỗi vị 20g, lá dứa dại 20 – 30g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
17. Bài thuốc trị cảm lạnh
- Chuẩn bị: Tỏi, gừng và hành mỗi vị 20g, lá dứa dại 30g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống và dùng khi thuốc còn nóng. Sau khi uống thuốc nên đắp kín chăn để người ra mồ hôi.
18. Bài thuốc trị thấp khớp
- Chuẩn bị: Cà gai leo, bồ công anh, củ dứa rừng, lá lốt mỗi vị 20g, lá dứa dại 30g, cỏ xước 40g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi hết triệu chứng đau nhức.
19. Bài thuốc trị viêm gan, xơ gan, cổ trướng, mất ngủ
- Chuẩn bị: Rễ cây dứa rừng.
- Thực hiện: Mỗi lần dùng 30g sắc uống, ngày dùng 2 lần.
20. Bài thuốc giúp thông tiểu và trị chứng tiểu ra sỏi
- Chuẩn bị: Rễ dứa thơm 15g, rễ dứa dại 12g và đọt non dứa dại 20g.
- Thực hiện: Dùng sắc uống hằng ngày.
21. Bài thuốc trị chứng nước tiểu vàng, nóng, tiểu dắt và ít
- Chuẩn bị: Cam thảo na, trần bì và cỏ mần trầu mỗi vị 6g, mã đề 8g, rễ dứa dại, râu ngô và rau dừa nước mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước, chia thành 2 lần uống và dùng hết trong 1 ngày.
22. Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu
- Chuẩn bị: Cam thảo nam và trạch tả mỗi vị 12g, rễ cây dứa rừng, kim ngân hoa và ý dĩ nhân mỗi vị 16g.
- Thực hiện: Dùng các vị sắc lấy nước uống.
23. Bài thuốc chữa phù thũng
- Chuẩn bị: Hậu phác 12g, rễ dứa dại, rễ si, hoắc hương, vỏ cây đại (sao vàng), tía tô, hương nhu và rễ cau non mỗi vị 8g.
- Thực hiện: Cho các dược liệu vào ấm, sắc lấy nước uống.
24. Bài thuốc trị xơ gan và cổ trướng
- Chuẩn bị: Thân cây ráy gai và quả dứa rừng mỗi vị 200g, rễ cỏ xước, vỏ cây quao nước, lá cối xay, vỏ cây vọng cách và lá trâm bầu mỗi vị 50g.
- Thực hiện: Đem sắc uống.
25. Bài thuốc trị ho và giải nhiệt
- Chuẩn bị: Quả dứa dại 50g, nếu dùng quả tươi thì dùng 200g.
- Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
26. Bài thuốc trị viêm gan mãn tính
- Chuẩn bị: Chó đẻ răng cưa 50g và quả dứa rừng 100g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm.
27. Bài thuốc trị sỏi thận
- Chuẩn bị: Kim tiền thảo 18g, hạt chuối hột 12g và hạt dứa dại 15g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
28. Bài thuốc chữa viêm tinh hoàn và bệnh trĩ
- Chuẩn bị: Hạt dứa dại 60g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
29. Bài thuốc trị sỏi thận
- Chuẩn bị: Cỏ bợ, ngải cứu và đọt non của cây dứa rừng mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Đem giã nát, lọc lấy nước và thêm đường vào uống.
30. Bài thuốc trị đinh râu
- Chuẩn bị: Lá đinh hương và đọt non của cây dứa dại mỗi vị 40g.
- Thực hiện: Giã nát và dùng đắp ngoài.
31. Bài thuốc trị tiểu buốt có kèm máu
- Chuẩn bị: Mầm rễ cỏ gừng và đọt non cây dứa dại mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Sắc uống và dùng hết trong ngày.
Lưu ý khi dùng cây dứa dại chữa bệnh
- Hầu hết các bộ phận của cây dứa rừng đều có tính lạnh, do đó nên thận trọng khi dùng cho người có tỳ vị hư hàn.
Cây dứa dại được áp dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh – đặc biệt là bài thuốc trị sỏi thận. Tuy nhiên tác dụng thu nhỏ kích thước sỏi của vị thuốc này chưa thực sự được chứng minh trên phương diện khoa học. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện để phòng ngừa những rủi ro không đáng có.
Review CÂY DỨA DẠI
Chưa có đánh giá nào.