Mục lục nội dung
Cánh kiến trắng là vị thuốc thường được sử dụng chủ trị các chứng bụng chướng do ác khí, di tinh, lưng đau, tai ù, sát trùng, trị ho và hỗ trợ giúp vết thương nhanh lành.
- Tên gọi khác: An tức hương, Bồ đề, Mệnh môn lục sự, Thoán hương, Tịch tà, Tiện khiên ngưu, Thiên kim mộc chi, Chiết bối La hương
- Tên khoa học: Styrax Tonkinensis (Pier.) Craib
- Họ: Bồ đề – Styracaceae
Mô tả dược liệu Cánh kiến trắng
1. Đặc điểm sinh thái
Cánh kiến trắng cây nhỏ, cao khoảng 15 – 20 cm, có thể cao hơn nếu để tự nhiên, không cắt tỉa cành. Cành tròn, có nhiều lông trắng, màu nâu nhạt, mặt trước có nhiều lông mịn màu trắng, mặt sau nhẵn.
Lá cây mọc so le, có cuống ngắn, dài khoảng 6 – 15 cm, rộng khoảng 5 – 11 cm, không có lá kèm theo. Phiến lá có hình trứng , tròn ở gốc lá, nhọn ở đầu, gốc phiến lá có màu trắng như tuyết. Mặt trên lá có màu xanh nhạt, mặt dưới màu trắng nhạt có nhiều lông mịn.
Hoa nhỏ, màu trắng, có mùi thơm đặc trưng, mọc thành từng sim bao gồm nhiều tán hoa đơn hoặc kép. Hoa có 5 đài, tràng hoa hình bánh xe, có 5 nhị liền nhau thành ống, bao phấn liền với đầu nhụy.
Quả hình cầu, đường kính khoảng 10 – 16 mm. Phía dưới quả là đài, mắt ngoài quả có nhiều lông hình sao.
Mùa hoa vào tháng 5 – 6, mùa quả khoảng tháng 9 – 10.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Nhựa Cánh kiến trắng được sử dụng để làm dược liệu. Khối nhựa thường có màu vàng nhạt, nâu hoặc đỏ nhạt. Mặt bẻ ngang có màu trắng sữa, xen kẽ các dải dọc màu nâu bóng mượt, cứng. Khi gặp nóng thì nhựa hóa mềm, có mùi thơm đặc trưng.
Nhựa cây gần như không tan trong nước, tan một phần trong Ether và tan hoàn toàn trong cồn.
3. Phân bố
Cây Cánh kiến trắng mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trên nước ta. Tuy nhiên, cây thường được tìm thấy ở Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu, Hà Sơn Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyến Quang, Vĩnh Phúc và Nghệ An.
4. Thu hái – Sơ chế
Thu hoặc nhựa cây vào giữa tháng 6 – 7 hoặc khi cây ra hoa, chọn những cây đã được 5 – 10 tuổi. Các mạch nhựa thường được hình thành trong vùng gỗ mới ngay phía sau thượng tầng. Các ống nhựa xếp song song, kéo nhựa kéo dài dọc theo toàn thân. Khi lấy nhựa thì rạch vào thân cây hoặc cành.
Nhựa cây là những cục rời nhau, đục màu trắng hoặc vàng nhạt, rất dễ bẻ gãy. Nhựa cây được chia thành hai loại chính:
- Dược liệu chất lượng tốt: Có màu vàng nhạt, thơm mùi Vani.
- Dược liệu kém chất lượng: Có màu đỏ, lẫn nhiều tạp chất (vỏ cây, đất cát), có mùi thơm nhẹ hoặc không thơm.
Cách bào chế dược liệu An tức hương:
Dùng nhựa cây ngâm vào rượu, sau đó nấu sôi 2 – 3 lần cho đến khi nhựa chìm xuống hẳn. Lấy ra, thả vào trong nước lạnh đến khi nhựa cứng hẳn là được. Phơi hoặc sấy đến khô.
5. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nói thoáng mát, khô ráo, tránh độ ẩm trực tiếp.
6. Thành phần hóa học
An tức hương được khai thác ở Trung Quốc có chứa các thành phần chính bao gồm:
- Coniferyl Cinnamate
- Cimanyl Cinnamate
- Phenylpropyl Cinnamate
- Acid Sumaresinolic
- Lubanyl Cinnamate
- Vanillin
- Styracin
- Benzaldebyde
- Styrene
- Acid Benjoic
- Chất keo
- Tinh dầu quế
Tại Việt Nam, dược liệu Cánh kiến trắng có chứa các thành phần như:
- Chất keo
- Cinnamyl Benzoate
- Acid Siaresinolic
- Lubanyl Benzoate
- Coniferyl Benzoate
- Vanillin
- Phenylpropyl Cinnamate
Vị thuốc Cánh kiến trắng
1. Tính vị
- Tính bình, không chứa độc tố, vị cay, đắng, ngọt nhẹ (theo Bản Kinh Phùng Nguyên).
- Tính bình, không chứa độc, vị đắng, cay (theo Bản Thảo).
- Vị đắng, cay, tính ấm (theo Dược Đại Từ Điển).
- Vị cay, đắng, tính ấm (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
2. Quy kinh
- Quy vào túc Quyết âm Can kinh, thủ Thái âm Phế (theo Ngọc Quyết Dược Giải).
- Quy vào thủ Thiếu âm Tâm kinh (theo Bản Thảo Kinh Sơ).
- Quy vào kinh Tỳ và Tâm (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Quy vào kinh Tâm và Tỳ (theo Bản Thảo Tiện Độc).
- Quy vào kinh Tỳ, Tâm, Can (theo Trung Dược Học).
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
Theo y học cổ truyền:
- Hành huyết, khai khiếu, trừ tà, an thần (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Khai khiếu, hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, thanh thần (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
- Phá phục, hạ huyết, an thần, hành huyết, tuyên hành khí huyết (theo Bản Thảo Tùng Tân).
- Hỗ trợ làm ấm thận, trừ ác khí (theo Hải Dược Bản Thảo).
Chủ trị của vị thuốc Cánh kiến trắng:
- Điều trị chướng bụng, ngực đau do ác khí (theo Đường Bản Thảo).
- Chữa di tinh (theo Hải Dược Bản Thảo).
- Chữa chứng tim đau bất ngờ, nôn nghịch (theo Bản Thảo Phùng Nguyên).
- Chữa chứng trúng phong, phong giản, phong thấp, lưng đau nhức mỏi, tai ù, hạc tất phong (theo Bản Thảo Thuật).
- Chữa chứng hoắc loạn, đau nhức do phong, sinh con xong bị huyết vận, huyết tà (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
- Trị trúng phong, hôn quyết, ngực bụng đau, sản hậu bị huyết vận, trẻ nhỏ động kinh, đờm quyết, khí uất, trúng ác khí gây bất tỉnh (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
- Trị trẻ nhỏ động kinh, giật kinh phong (theo Trung Dược Tài Thủ Sách).
- Chữa chứng trúng ác khí bất ngờ khiến ngực bụng đau, trẻ nhỏ kinh phong, động kinh, phong thấp, lưng đau, tê mỏi tay chân, sinh xong bị huyết vận (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
4. Cách dùng – Liều lượng
An tức hương được sử dụng uống trong hoặc dùng ngoài da. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.
Liều lượng khuyến cáo: 2 – 4 g mỗi ngày. Dùng ngoài không kể liều lượng, tùy vào tình trạng và vùng bệnh mà dùng.
Bài thuốc sử dụng Cánh kiến trắng
1. Chữa trúng ác khí, trúng phong
Sử dụng An tức hương 4 g, Ngưu hoàng 2 g, Đơn sa 4.8 g, Quỷ cửu 8 g, Tê giác 3.2 g, Nhũ hương 4.8 g, Hùng hoàng 4.8 g, tán thành bột mịn. Lại dùng Thạch xương bồ và Sinh khương, đều 4 g, sắc lấy nước, dùng uống với bột thuốc.
2. Trị phong thấp, nhức mỏi xương khớp
Sử dụng 80 g Cánh kiến trắng, tán bột, 160 g thịt nạc heo, thái nhỏ, trộn đều, cho vào ống trẻ hoặc bình. Để lên bếp lò, đun lửa lớn nhưng phải để một miếng đồng lên trên, đục một lỗ nhỏ, hướng về phía sưng đau mà dùng xông chữa bệnh.
3. Chữa phụ nữ sinh xong bị huyết trướng, huyết vận, cấm khẩu
Sử dụng An tức hương 4 g, Ngũ linh chi (thủy phi) 20 g, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng uống 4 g với nước Gừng sao.
4. Chữa tim đau đột ngột, nhịp tim đập nhanh mãn tính
Sử dụng An tức hương tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 2 g với nước sôi, mỗi ngày dùng thuốc một lần.
5. Chữa chứng hàn khí, lãnh thấp, hoặc loạn thể âm
Sử dụng An tức hương 4 g, Phụ tử, Nhân sâm, mỗi vị đều 8 g, sắc uống, mỗi ngày một thang.
6. Chữa đầu vú bị nứt nẻ, sưng đau, giúp vết thương nhanh lành
Sử dụng cây Cánh kiến trắng 20 g ngâm với 100 g cồn 80 độ trong 10 ngày, thỉnh thoảng cần lắc đều bình thuốc. Sử dụng thuốc này hòa thêm nước sôi để bôi lên vết nứt nẻ.
7. Chữa trẻ nhỏ nhiễm tà khí gây động kinh
Sử dụng An tức hương to bằng hạt đậu, đốt lên cho trẻ xông trực tiếp.
8. Chữa trẻ em bị chân co rút, hay la khóc, bụng đau
Sử dụng An tức hương chưng với rượu thành cao.
Lại dùng Đinh hương, Mộc hương, Hoặc hương, Trầm hương, Bát giác, Hồi hương đều 12 g, Súc sa nhân, Cam thảo, Hương phụ tử, Cam thảo (chích), mỗi vị đều 20 g. Tán nhuyễn các vị thuốc thành bột mịn, sao đó trộn với cao An tức hương làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt đậu xanh.
Mỗi lần dùng uống 8 g với nước sắc lá Tía tô.
9. Chữa ho có đờm, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn
Sử dụng Cánh kiến trắng mài thành bột pha với mật ong, luyện thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 0.5 g, mỗi ngày dùng 2 – 4 lần. Ngoài ra, có thể đốt nhựa cây rồi xông khói vào mũi để long đờm, hỗ trợ hô hấp và giúp giữ tỉnh táo.
10. Chữa viêm nha chu
Sử dụng An tức hương ngâm với rượu nhạt, sau đó dùng ngậm trong miệng.
11. Chữa thổ tả, bụng lạnh, trúng phong, gió độc
Sử dụng Cánh kiến trắng 2 – 4 g, sắc với nước vài lần. Dùng uống 2 – 3 lần trong ngày. Ngoài ra, có thể tán bột hoặc mài mịn Cánh kiến trắng, mỗi lần sử dụng 1 – 2 g với rượu nhạt.
Kiêng kỵ khi sử dụng Cánh kiến trắng
Người ăn kém, âm hư hỏa vượng, khí hư không nên dùng (theo Bản Thảo Phùng Nguyên).
Người âm hư hỏa vượng không được dùng (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
Người bệnh không có liên quan đến ác khí, không nên dùng (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Cánh kiến trắng là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong Đông y để điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, trước khi sử dụng vị thuốc, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.