Mục lục nội dung
Cải củ không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc mà còn là vị thuốc có nhiều công dụng hữu ích. Củ cải, lá, rễ và hạt đều có tác dụng tiêu đờm, tiêu thực, kích thích vị giác và lợi đại tiểu tiện. Dược liệu này thường được nhân dân sử dụng để chữa ho có đờm, hen suyễn, viêm khí quản mãn tính, táo bón ở người cao tuổi, ăn uống không tiêu,…
- Tên gọi khác: Bặc căn, Rau lú bú, La bặc tử (hạt già của cây cải củ)
- Tên khoa học: Raphanus sativus L
- Họ: Cải (danh pháp khoa học: Brassicaceae)
Mô tả dược liệu cải củ
1. Đặc điểm thực vật
Cải củ vừa là vị thuốc nam vừa là loại rau quen thuộc với người Việt. Đây là loại thực vật thân thảo, sống hằng năm, rễ có dạng củ, màu trắng, vỏ mỏng, vị cay nồng, hình trụ dài, có thể dài 20 – 40cm.
Lá mọc từ củ, tỏa ra xung quanh, cuống lá dài. Phiến lá hình mũi mác, màu xanh lục, có đường gân chính chạy giữa phiến lá. Hoa mọc thành chùm, màu hơi tím hồng hoặc có màu trắng.
Quả có hình trụ, thắt ở giữa các hạt, các hạt xếp lại thành chuỗi tràng hạt. Cây nở hoa vào tháng 4 – 7 và cho quả từ tháng 6 – 9 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Củ, lá, rễ và hạt được dùng để làm dược liệu. Chọn thứ hạt dẹp, có hình tròn, rộng khoảng 2 – 3mm, dài 2.5 – 4mm, có màu nâu đen hoặc nâu đỏ. Hạt cải củ được gọi là La bặc tử/ Lai phục tử, củ cải được gọi là Bặc căn.
3. Phân bố
Củ cải có nguồn gốc từ Ai Cập và Trung Quốc. Hiện nay loài thực vật này được trồng ở nhiều nước như Thái Lan, Việt Nam, Lào và một số nước châu Âu.
4. Thu hái – sơ chế
Thu hái vào mùa hè – thu khi quả đã già. Hái cả cây về, sau đó phơi khô và đập lấy hạt. Đem bỏ vỏ, tạp chất và phơi cho khô hoàn toàn, để dùng dần.
Ngoài ra có thể bào chế dược liệu la bặc tử với những cách sau:
- Rửa sạch hạt, muốn tiêu thực thì sao còn nếu dùng tiêu đờm thì để dùng sống.
- Loại bỏ tạp chất và đất cát, sau đó vớt ra và phơi khô. Khi dùng nên giã nát.
5. Bảo quản
Nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Củ cải tươi có chứa Pentosan, Arginin, Cholin, Diastase, Oxydase catalase, Oxalic acid, Glucose, Adenin, Histidin, Trigonellin, Glucosidase, Allyl isothiocyanat, vitamin C, B, A,… Hạt có chứa oleic acid, Linoleic acid, Raphanin, Oleic acid, Erucic acid, dầu béo,… Rễ chứa Methyl mercapten và glucosid enzyme.
Vị thuốc cải củ
1. Tính vị
- Hạt có vị cay, ngọt, tính bình và mùi thơm.
- Củ có vị ngọt, hơi cay, đắng, không độc và tính bình.
- Lá cũng có vị đắng, cay, tính bình.
2. Qui kinh
Quy vào kinh Phế, Vị, Tỳ.
3. Tác dụng dược lý
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Hoa, hạt, củ và lá cây có đặc tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn gram dương.
- Thực nghiệm trên cho nhận thấy, nước ép từ củ cải có tác dụng tăng tiết mật và bài tiết niệu.
- Chế phẩm từ dược liệu có khả năng làm tăng mức độ dung nạp của cơ thể đối với carbon hydrate.
- Hoạt chất Raphanin trong lai phục tử có tác dụng ức chế E. coli, Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus,…
- Nước sắc từ hạt cải củ có khả năng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh trên da.
- Hoạt chất Raphanin trong hạt của cây có thể làm giảm độc tố của vi khuẩn bạch hầu và uốn ván.
- Nước sắc từ la bặc tử có tác dụng hạ huyết áp từ từ nhưng rõ rệt và kéo dài.
– Theo Đông Y:
- Củ cải khô làm long đờm, củ cải tươi có tác dụng trừ viêm, tiêu huyết ứ, trừ lỵ, kích thích vị giác, chống còi xương, sát khuẩn, lọc gan, lọc thận, tiêu tích, lợi tiểu, trừ lỵ, chống hoại huyết.
- Hạt có tác dụng tiêu thực, lợi đại tiểu tiện, thổ phong đờm, khoan hung cách, hạ khí, công kiên tích,…
- Nhựa của lá có tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu. Lá có tác dụng tiêu tích, nhuận tràng, trừ hen suyễn, tiêu đờm, thông khí và lợi tiểu.
- Chủ trị chứng ban sởi, lở ngứa, lỵ, ho suyễn có đờm, khí trệ gây đau, bụng đầy trướng. Ngoài củ cải còn được dùng để trị thiếu khoáng, ăn uống không ngon miệng, viêm khớp, sỏi mật và các bệnh về đường hô hấp.
4. Cách dùng – liều lượng
Dùng lá và củ không quy định về liều. Riêng dùng la bặc tử, chỉ nên sử dụng từ 6 – 10g/ ngày. Có thể dùng dược liệu ở dạng tán bột, sắc nước hoặc dùng ngoài.
Món ăn – bài thuốc chữa bệnh từ cải củ
1. Bài thuốc chữa bỏng
- Chuẩn bị: Củ cải tươi
- Thực hiện: Thái lát và đắp lên vùng da bị bỏng.
2. Bài thuốc chữa chứng phù nề
- Cách 1: Dùng củ cải tươi ép lấy nước, sau đó thêm vào ít muối và nước. Đun sôi và uống, dùng mỗi ngày 1 lần.
- Cách 2: Chuẩn bị 40 hạt củ cải, đem sắc uống hằng ngày.
3. Bài thuốc làm tiêu ung nhọt
- Chuẩn bị: 1 ít la bặc tử
- Chuẩn bị: Giã nát và thêm giấm vào, dùng bôi lên nhọt.
4. Món ăn chữa ho từ củ cải trắng
- Chuẩn bị: Gừng tươi, mật ong và sữa mỗi thứ 250g, quả lê và củ cải trắng mỗi thứ 1kg.
- Thực hiện: Gừng tươi, củ cải gọt vỏ, thải nhỏ, lê gọt vỏ và bỏ hạt. Vắt nước cốt riêng từng loại. Sau đó cho nước lê và nước củ cải vào, đun cho sôi thì giảm bớt lửa cho đến khi đặc dính. Lúc này, thêm mật ong, sữa và nước cốt gừng vào, khuấy đều và đun sôi trở lại. Khi hỗn hợp nguội, đem cho vào lọ kín và dùng dần. Mỗi lần dùng 1 thìa hòa với nước ấm, ngày uống 2 lần.
5. Bài thuốc chữa viêm phế quản mãn tính ở người già
- Cách 1: Tử tô (hạt tía tô) và la bặc tử sao mỗi thứ 12g. Đem sắc uống hằng ngày.
- Cách 2: Chuẩn bị củ cải 60g và bì sứa 120g, đổ nước, thêm gia vị và hầm cho nhừ. Chia thành 2 lần ăn và dùng hết trong ngày.
6. Bài thuốc trị loét miệng, nôn ói, mất tiếng và khản giọng
- Chuẩn bị: Gừng tươi và củ cải tươi, liều lượng tùy ý.
- Thực hiện: Đem ép lấy nước, dùng uống nhiều lần trong ngày. Có thể phối hợp với nước giá đậu xanh để tăng tác dụng.
7. Bài thuốc trị cảm sốt, ho, nhiều đờm, hen suyễn và viêm khí phế quản mãn tính
- Chuẩn bị: Củ cải luộc chín 500g.
- Thực hiện: Dùng ép lấy nước, thêm đường phèn, khuấy cho tan và uống, ngày dùng 1 lần.
8. Bài thuốc chữa lỵ, đau khi đại tiện
- Chuẩn bị: Tỏi 1 củ và hạt cải củ 12g.
- Thực hiện: Đem tỏi giã nát lấy nước, hạt cải củ nghiền nát. Dùng thuốc bột và nước tỏi cùng với nước ấm.
9. Bài thuốc chữa đại tiện ra máu do uống rượu nhiều hoặc do bệnh trĩ
- Chuẩn bị: Củ cải (cả cuống và lá) 20 củ.
- Thực hiện: Rửa sạch, thái lát và nấu cho chín nhừ, thêm bột gạo, ít giấm và vài lát gừng vào, đun cho sôi và để nguội, dùng ăn.
10. Bài thuốc trị đau do sỏi mật
- Chuẩn bị: Củ cải tươi và mật ong.
- Thực hiện: Rửa sạch củ cải, sau đó đem thái thành từng miếng dày. Cuối cùng tẩm với mật ong, đem sấy khô và dùng ăn trực tiếp.
11. Bài thuốc chữa cảm phong
- Chuẩn bị: 1 thìa nước củ cải, 1 thìa tương đậu nành và 750ml nước.
- Thực hiện: Trộn đều các nguyên liệu và uống thuốc khi nằm trên giường. Khi mồ hôi ra hết sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt.
12. Bài thuốc chữa chứng nhiễm khói than bị ngất
- Chuẩn bị: Lá củ cải hoặc củ cải tươi.
- Thực hiện: Giã nát, vắt lấy nước và cho bệnh nhân uống.
13. Bài thuốc chữa tức ngực, khó thở, hen suyễn và ho nhiều đờm
- Chuẩn bị: Bạch giới tử (hạt cải canh) 3g, tô tử, củ cải mỗi thứ 10g.
- Thực hiện: Đem các vị sao vàng, tán nhỏ và bọc lại trong túi vải. Đem đun sôi với 300ml nước, còn lại 100ml. Chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
14. Bài thuốc chữa viêm họng
- Chuẩn bị: Một ít đường phèn và củ cải tươi 1 – 2 củ.
- Thực hiện: Cạo sạch vỏ củ cải, rửa sạch và cắt thành sợi. Đem trộn với đường phèn, cho vào hũ và ngâm qua đêm. Sáng hôm sau chắt lấy nước uống. Thực hiện liên tục vài ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt.
15. Bài thuốc chữa ho nhiều đờm do viêm phế quản mãn tính
- Chuẩn bị: Cam thảo sống 8g, hạnh nhân và hạt cải củ sao mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
16. Bài thuốc chữa ho suyễn, viêm khí phế quản và suy nhược
- Chuẩn bị: Cá diếc 1 con, thịt dê 100g và củ cải 60g.
- Thực hiện: Dùng nấu canh, nêm nếm thêm gia vị và ăn khi nóng.
17. Bài thuốc chữa đại tiện khô, bụng trướng, đổ mồ hôi và tiêu hóa kém
- Chuẩn bị: Chỉ xác 8g, thần khúc (sao xém) 16g và la bặc tử 12g.
- Thực hiện: Đem sắc kỹ, đem nước sắc uống hết trong ngày.
18. Bài thuốc chữa chứng đầy bụng, khó tiêu do ăn quá nhiều bánh kẹo
- Chuẩn bị: Củ cải 50g và gạo tẻ 100g.
- Thực hiện: Đem củ cải thái lát và nấu với gạo thành cháo, thêm 1 ít muối và dùng ăn khi nóng.
19. Món ăn chữa giãn phế quản và hỗ trợ điều trị lao phổi
- Chuẩn bị: Thịt dê 500g, củ cải trắng 1kg, rượu trắng, gừng tươi, hành và gia vị.
- Thực hiện: Rửa sạch thịt dê, bóc màng và lọc gân, sau đó cắt thành miếng vừa ăn và trụng sơ qua nước sôi. Vớt ra để ráo nước, ướp thêm gừng và hành cho thơm. Đun thịt với nước sôi và 1 ít rượu trắng. Đem củ cải rửa sạch, cạo vỏ và cắt thành từng miếng nhỏ, trụng sơ qua nước sôi. Cuối cùng cho củ cải vào cùng với thịt dê, nấu cho chín mềm và nêm nếm gia vị.
20. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường
- Chuẩn bị: Gạo tẻ 50g và củ cải 200g.
- Thực hiện: Nấu thành cháo, ăn ngày 2 lần và dùng khi còn nóng.
21. Bài thuốc trị ế cách và phản vị
- Chuẩn bị: Củ cải.
- Thực hiện: Đem tẩm mật, chưng, nghiền nát và ăn trực tiếp.
22. Bài thuốc trị hen suyễn ở trẻ nhỏ gây thở khò khè
- Chuẩn bị: Cam thảo, tạo giáp tử, ma hoàng, hạt cải củ và đăng tâm thảo bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g.
23. Bài thuốc chữa chứng nhọt sưng đau nhưng chưa vỡ
- Chuẩn bị: 1 củ cải tươi.
- Thực hiện: Cắt ngang và cho vào lửa, nướng chín. Cắt bỏ chỗ cháy đen, đem xát vào chỗ bị đau nhức. Khi nguội thì thay miếng khác, thực hiện như vật khoảng 3 – 4 lần sẽ thấy mụn nhọt vỡ cồi.
24. Bài thuốc trị táo bón ở người cao tuổi
- Chuẩn bị: La bặc tử sao vàng 30 – 40g.
- Thực hiện: Đem sắc với nước, dùng 2 – 3 lần/ ngày. Nên uống khi nước còn ấm.
25. Bài thuốc chữa ngực căng, thở gấp do hen suyễn
- Chuẩn bị: Hạt bồ kết đốt tồn tính và hạt củ cải sao, mỗi vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, luyện với mật là thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 – 3 lần.
26. Bài thuốc trị ban sởi mọc chậm không đều
- Chuẩn bị: Hạt củ cải tươi.
- Thực hiện: Đem hạt nghiền nát, mỗi lần dùng 6g uống với nước cơm.
27. Bài thuốc chữa chứng ăn không tiêu, ợ chua, ngực bụng đầy và thực tích
- Chuẩn bị: Thần khúc 80g, bán hạ 120g, phục linh 120g, sơn tra 240g, la bặc tử 40g, trần bì 120g, liên kiều 40g.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột, làm thành hoàn. Mỗi ngày dùng từ 20 – 30g.
Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu cải củ
- Tránh nhầm lẫn la bặc tử với bạch giới tử (hạt của cây cải canh). Bạch giới tử có kích thước nhỏ nhưng vị cay hơn la bặc tử.
- Không dùng hạt củ cải cho người sức yếu (khí hư), thể hao tổn khí, không bị đầy tích và đờm trệ đọng.
- Nên hạn chế dùng củ cải cho người có tỳ vị hư hàn.
Cải củ là vị thuốc nam quý, có công dụng chữa các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, ho, hen suyễn,… Tuy nhiên phần lớn các bài thuốc từ dược liệu này đều được lưu truyền trong phạm vi nhân dân. Vì vậy bạn nên tham khảo người có chuyên môn trước khi thực hiện nhằm kiểm soát các rủi ro và tác dụng không mong muốn.