Mục lục nội dung
Cây bồ bồ là dược liệu quý có tác dụng chữa bệnh viêm gan siêu vi, vàng da, sốt và nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Liều dùng 15 – 30g mỗi ngày theo dạng sắc uống hoặc đắp ngoài da.
Hình ảnh cây bồ bồ
- Tên khác: Cây nhân trần, tuyến hương lam, chè nội, hoắc hương núi, nhân trần hoa đầu, chè đồng, chè cát
- Tên khoa học: Adenosma indianum (Lour.) Merr.
- Họ: Hoa mõm chó – Scrophulariaceae
Mô tả về cây bồ bồ
Đặc điểm thực vật
Cây bồ bồ thuộc dạng thân thảo, sống nhiều năm, thân mọc thẳng, chiều cao dao động từ 20 – 60cm. Thân tròn, bên ngoài có nhiều lông.
Lá cây màu xanh, hình bầu dục hoặc hình trái xoăn, mọc cách, so le, mặt trên và dưới đều có lông tơ. Mép lá hình răng cưa. Vò nhẹ thân và lá thấy có mùi thơm.
Hoa bồ bồ mọc thành cụm ở trên ngọn hoặc ở kẽ lá, màu tím, có hình dáng gần giống với cái chuông. Đài hoa có 5 răng. Quả nang nhãn có dạng hình trứng, nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 3mm – 4mm. Bên trong quả có hạt màu vàng.
Phân bố, sinh trưởng
Cây bồ bồ được tìm thấy nhiều ở Việt Nam và một số nước khác như Nam Trung Quốc, Cộng Hòa Ấn Độ hay Malaysia. Cây ưa sống ở những nơi có nhiều ánh sáng và có thể chịu được hạn ở mức độ nhẹ, chủ yếu là mọc hoang ở bờ ruộng hoặc ven đồi.
Ở nước ta, cây bồ bồ chủ yếu mọc ở các tỉnh vùng trung du phía Bắc như Hà Tây, Thái Nguyên, Bắc Giang hay Phú Thọ…
Cây phát triển từ hạt. Những cây con thường đâm chồi vào tháng 3 – tháng 4 hàng năm và ra hoa kết quả sau đó khoảng 2 tháng. Quả già cũng là lúc cây bắt đầu tàn lụi và chết. Hạt trong quả được phát tán ra xung quanh và nếu tồn tại được thì đến cuối mùa xuân năm sau sẽ đâm chồi, nảy mầm.
Bộ phận dùng làm thuốc
Thân, lá, hoa của cây bồ bồ được Đông y sử dụng làm dược liệu.
Thu hái- sơ chế
Bồ bồ dược liệu được thu hoạch lúc cây đang ra hoa, thông thường là vào mùa hạ. Cây được chặt sát gốc đem về rửa sạch, rải trong bóng râm cho khô từ từ hoặc sấy khô.
Bảo quản
Dược liệu khô thường được người dân bảo quản bằng cách bó lại thành từng bó nhỏ, để trên gác bếp hoặc nơi khô ráo. Tránh để thuốc nơi bụi bẩn, chỗ ẩm ướt hoặc những nơi có nhiệt độ quá cao sẽ gây mốc hoặc làm thất thoát tinh dầu trong thân và lá cây.
Thành phần hóa học
Các thành phần có trong cây bồ bồ bao gồm:
- Saponin
- Glucosid
- Kalinitrat
- Acid clorogenic
- Acid neoclorogenic
- Acid cafeic
- Flavonoid
- Triterpen
- Tinh dầu thơm chứa một số chất như: 5L – Mопоtегреп, L – fenchon, 2 D sesquiterpen, oxyd piperiton, sesquiterpen …
Bồ bồ dược liệu
Tính vị:
- Vị đắng
- Tính hơi hàn
Quy kinh
- Kinh Tỳ
- Kinh vị
- Can
- Túi mật.
Cây bồ bồ có tác dụng gì? Chữa bệnh gì?
– Theo y học cổ truyền:
Bồ bồ dược liệu có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, sơ phong, lợi thấp, làm ra mồ hôi, lợi tiêu hóa. Chủ trị trong các trường hợp:
- Viêm gan cấp và mãn tính do siêu virus gây ra
- Sốt không ra mồ hôi
- Vàng da
- Tiêu hóa kém
- Đau đầu
- Bí tiểu
- Hen suyễn
- Viêm túi mật
- Sưng đỏ mắt
- Cao huyết áp
– Theo nghiên cứu hiện đại: Bồ bồ có những tác dụng sau
- Kháng khuẩn: Cao bồ bồ thể hiện khả năng ức chế rõ rệt đối với các chủng vi khuẩn như Shigella dysenteria, Streptococcus hemolyticus S 84 hay Sh. shigae…
- Diệt giun: Thử nghiệm tinh dầu và nước cất cây bồ bồ cho thấy cả giun đũa, giun móc hay giun đất đều bị tiêu diệt sau khoảng vài chục phút đến vài giờ kể từ khi tiếp xúc với thuốc.
- Chống viêm: Bồ bồ thể hiện tính kháng viêm rõ rệt khi thử nghiệm trên chuột.
- Lợi mật, thải độc gan: Tinh dầu và đặc biệt là cao cồn bồ bồ có công dụng làm tăng tiết mật ở chuột, đào thải độc tố cho gan.
- Ở dạ dày: Bồ bồ có tác dụng làm giảm axit, giảm viêm loét trong dạ dày ở chuột cống trắng.
Cách dùng và liều lượng
- Liều lượng: 15 – 30g mỗi ngày
- Cách dùng: Sắc uống, tán nhỏ làm trà hoặc dùng dược liệu tươi đắp ngoài da.
Độc tính
Bồ bồ không độc. Thử nghiệm trên súc vật được dùng liều gấp 20 lần so với liều giới hạn cho thấy chúng vẫn sống bình thường.
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây bồ bồ
1. Điều trị bệnh viêm gan siêu vi
Dùng 63g bồ bồ sắc lấy nước đặc. Gạn thuốc chia làm 3 phần uống vào buổi sáng, trưa, tối
2. Điều trị vàng da ở người bị viêm gan siêu vi, chữa đầy bụng, đi tiểu ít, bí đại tiện
Kết hợp 24g bồ bồ, 12g hạt dành dành, 8g đại hoàng. Sắc uống ngày 1 thang
3. Chữa vàng da, tê lạnh các chi, hàn thấp
Dùng 24g bồ bồ, 12g hắc phụ, 8g gừng khô, 4g quốc lão ( cam thảo ). Dùng thuốc theo dạng sắc uống mỗi ngày 1 thang.
4. Trị vàng da, bí tiểu, viêm gan siêu vi mãn tính
Dùng 16g bồ bồ, bạch truật, trạch tả, trư linh, phục linh mỗi vị 12g, quế chi 8g. Sắc thuốc với nửa lít nước lấy 200ml. Chia uống 2 – 3 lần trong ngày.
5. Điều trị viêm túi mật
Dùng bồ bồ, diếp trời, uất kim mỗi vị 63g, củ nghệ vàng 16g. Sắc uống ngày 1 thang để chữa nhiễm trùng túi mật
6. Chữa cảm say nắng, thấp nhiệt, hạ sốt, kích thích tiết mồ hôi
Thành phần cho một thang thuốc điều trị gồm bồ bồ 16g, tịch lãnh 20g, hoàng cầm 12g, thủy xương bồ, mộc thông, khổ thái mỗi vị 8g, hoắc hương, xạ can, liên kiều, bạch đậu khấu, bạc hà mỗi vị 6g. Mỗi ngày lấy 1 thang sắc uống đều đặn cho đến khi các triệu chứng chấm dứt hoàn toàn.
7. Trị say nắng, đau đầu kèm nóng sốt
Chuẩn bị 1 nắm cây bồ bồ, 1 nắm hành trắng. Cả hai sắc chung lấy nước uống 3 lần mỗi ngày
8. Điều trị sưng đỏ và đau mắt
Dùng 1 nắm bồ bồ, 1 nắm xa tiền (mã đề). Sắc uống 1 thang trong ngày
9. Điều trị bệnh hen suyễn
Chuẩn bị lá bồ bồ và lá cà độc dược lượng bằng nhau. Cả hai xắt sợi nhỏ, trộn chung rồi cuốn vào giấy thành điếu thuốc hút.
10. Phòng ngừa và chữa trị cảm cúm
Lấy 15g bồ bồ hãm uống hàng ngày thay cho nước chè
11. Chữa ăn không tiêu, ho, sốt, nhức đầu, đầy bụng, đau bụng đi ngoài
Tùy theo tình trạng bệnh dùng 15 – 30g bồ bồ nấu nước uống vài lần trong ngày.
12. Trị vàng da trong các trường hợp bị viêm gan cấp và mãn tính
- Cách 1: Thái vụn 30g bồ bồ rồi cho vào ấm hãm cùng nước sôi trong 15 phút. Gạn uống dần cho hết trong ngày.
- Cách 2: Chuẩn bị 30g cây bồ bồ, 50g gạo lức. Bồ bồ sắc nước đem nấu chung với gạo thành cháo, chia ăn 2 – 3 lần. Khi ăn thêm một chút đường trắng vào.
13. Lợi tiểu, chữa bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt
Kết hợp bồ bồ và râu ngô mỗi vị 30g. Sắc uống vài ngày sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện.
14. Chữa cao huyết áp
Bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể lấy 30g bồ bồ nấu với 1 lít nước uống hàng ngày.
15. Giải nhiệt, làm mát gan
Chuẩn bị các vị gồm bồ bồ, lỗ bình Trung Quốc, hoa cây mã đề lượng bằng nhau. Tất cả dùng dạng khô, đem tán vụn. Mỗi ngày nấu 50g uống thay trà.
16. Điều trị viêm gan cấp tính gây vàng da, sốt
- Cách 1: Dùng bồ bồ dược liệu 300g, sinh địa 60g, trà 30g. Tán nhỏ thuốc, bảo quản trong hũ có nắp đậy. Mỗi ngày lấy 30g hỗn hợp cho vào ấm pha như hãm trà. Uống nhiều lần trong ngày cho hết.
- Cách 2: Lấy bồ bồ 150g, giáp mãnh thảo 500g, sinh cam thảo 50g tán nhỏ. Khi dùng lấy 60g đem nấu với 500ml nước, đun sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp. Gạn thuốc để nguội uống hết trong ngày.
- Cách 3: Chuẩn bị 100g cây bồ bồ, 50g diếp trời, 30g đường cát trắng. Dùng 1 thang mỗi ngày bằng cách sắc uống.
17. Chữa mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc
Mỗi ngày dùng 30 – 60g cây bồ bồ nấu uống thay thế một phần nước lọc trong ngày. Dùng nước sau khoảng 1 tuần sẽ thấy tình trạng được cải thiện rõ rệt.
18. Trị viêm da kèm ngứa
Dùng bồ bồ dược liệu 30g, lá sen 50g. Hai vị thuốc đã chuẩn bị đem phơi khô, nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày lấy 3g pha với chút mật ong và nước đun sôi để nguội uống.
19. Sát trùng, giảm viêm,cầm máu, làm nhanh lành vết thương ngoài da
Giã nát một ít cây bồ bồ tươi và đắp trực tiếp lên vết thương ngoài da. Áp dụng cách này cho cả vết thương kín và hở.
20. Bảo vệ tế bào gan khi sử dụng bia rượu thường xuyên
Cây bồ bồ, tích tuyết thảo khô, hạt muồng sao. Dùng mỗi vị một ít nấu nước uống hàng ngày.
21. Ngăn ngừa và điều trị bệnh sỏi mật, viêm túi mật
Dùng bồ công anh, cây bồ bồ mỗi loại 150g, râu ngô 300g. Trộn chung các vị trên với nhau, tán nhỏ. Khi dùng lấy 60g hãm uống thay trà.
22. Trị viêm gan gây vàng da, vàng mắt cấp tính
Kết hợp cây bồ bồ 30g, xuyên quân 6g, lá chè xanh 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
23. Trị ăn lâu tiêu, đầy bụng khó tiêu
Dùng cây mắt trâu và cam thảo nam mỗi vị 10g, bồ bồ 12g. Phơi khô thuốc. Sắc lấy nước chia 3 lần uống sau khi ăn.
24. Điều trị vàng da, sốt
Dùng thang thuốc gồm bồ bồ, lá vọng cách mỗi vị 16g và 12g lá kim hoa thảo. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 – 4 ngày liên tục.
25. Chữa lạnh chi, mồ hôi ra nhiều
Hắc khương 12g, bồ bồ 24g, cách tử 4g. Sắc uống
26. Chữa chán ăn, mệt mỏi, sắc mặt kém, tỳ hư
Chuẩn bị 15g bồ bồ, can khương, táo tàu và đường đỏ lượng đủ dùng. Sắc uống nước, ăn táo.
27. Chữa giun chui ống mật
Dùng 40 – 80g bồ bồ sắc uống. Trường hợp ống mật có nhiễm trùng thì thêm các vị nhẫn đông hoa, đại liên tử, bồ công anh. Thử nghiệm và theo dõi trên 50 ca thấy tất cả đều có kết quả tốt.
Lưu ý khi sử dụng cây bồ bồ
- Người không phải cơ địa thấp nhiệt tránh dùng
- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần được sự đồng ý của thầy thuốc, bác sĩ trước khi sử dụng bồ bồ chữa bệnh. Dược liệu này khi uống nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị mất sữa và làm các tuyến trong cơ thể bị xuất tiết.
- Bồ bồ tương tác với cam thảo. Vì vậy không kết hợp hai vị này chung với nhau
- Trường hợp không có bệnh về gan mật thì tránh nấu nước uống hàng ngày.
- Bệnh nhân huyết áp thấp không nên dùng
- Do có đặc tính lợi tiểu, bồ bồ không thích hợp cho những người đang bị mất nước, tiêu chảy.
Những thông tin bài viết vừa chia sẻ đã giúp bạn biết được cây bồn bồn chữa bệnh gì và cách sử dụng như thế nào cho đúng. Để đạt được hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chúng tôi khuyên bạn nên tham vấn ý kiến của thầy thuốc hay các bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
Có thể bạn quan tâm