Mục lục nội dung
Bình bát hay còn gọi là Na xiêm là quả có vị chát thường được sử dụng để sát khuẩn, chống viêm, trừ lỵ, tẩy giun. Trong Đông y, Bình bát còn được cho là có thể điều trị lao phổi, tiểu đường và các bệnh xương khớp.
- Tên gọi khác: Nê xiêm, Na xiêm, Đào tiên
- Tên khoa học: Annona reticulata L
- Họ: Na – Annonaceae
Mô tả dược liệu Bình bát
1. Đặc điểm sinh thái
Cây Bình bát còn được gọi là cây Na xiêm là cây rất phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Đây là cây thân gỗ, nhỏ, có thể cao 5 – 7 mét và có tán lá rất rộng. Cây phân thành nhiều cành nhỏ, các cành non có phủ một lớp lông mịn, các cành già nhẵn, bóng, không chứa lông.
Lá Bình bát mọc so le, thuôn hình mác, dài khoảng 12 – 15 cm, rộng 4 cm, đầu lá nhọn, gốc lá tròn. Mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có phủ một lớp lông mịn, gân lá nổi rõ ràng, cuống lá có lông, dài khoảng 1 – 2 cm.
Cụm hoa mọc ở các kẽ lá, hoa màu vàng, đài hoa gồm 3 phiến hình tam giác, mặt ngoài có nhiều lông. Tràng hoa có hai vòng, canh hoa hẹp, khi nở 3 cánh tam giác bên ngoài mở ra, to, dày, có phủ lông tơ. 3 cánh hoa bên trong nhỏ, có nhiều nhị, trung đới dài, bầu chứa nhiều lá noãn có lông. Quả Bình bát hình tim, chia thành 5 ô góc mở. Khi non quả màu xanh, có mùi đặc trưng, khi chọn quả có màu vàng hoặc hơi trắng ngà, có mùi thơm nồng, có thể ăn được.
Mùa hoa vào tháng 5 – 6, mùa quả vào tháng 7 – 8.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Thân, quả, hạt, lá và rễ cây Bình bát được ứng dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Bình bát có nguồn gốc từ Trung Mỹ, Brazil, Nam Mexico và Peru.
Tại Việt Nam, cây được tìm thấy ở các vùng đất nhiễm phèn ở các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam. Bình bát ưa nước do đó thường phát triển ở bờ sông, rìa kênh, mương, ao hồ.
4. Thu hái – Sơ chế
Lá Bình bát có thể thu hái quanh năm, rễ nên thu hái ở những cây lớn, rễ to khỏe, quả thu hái tùy vào mục đích sử dụng, hạt thu hái khi quả chín, bỏ phần thịt lấy hạt dùng.
Sau khi thu hái rửa sạch để ráo nước, có thể phơi khô hoặc dùng tươi đều được.
5. Bảo quản dược liệu
Bình bát có mùi thơm đặc trưng nên rất dễ thu hút côn trùng nhỏ. Do đó, khi bảo quản cần chú ý tránh nơi có nhiều côn trùng. Ngoài ra bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao để khô làm ẩm mốc, hư hỏng dược liệu.
6. Thành phần hóa học
Vỏ thân Bình bát có chứa:
- Roliniastatin – 2
- Reticulacinon
- Các Diterpen
Vỏ thân và rễ có chứa:
- Anonain
- Oxoushinsunin
- Michelalbin
- Reticulin
- Assimilobin
- Hydroxynomuciferin
- Methoxyannomontin
Lá có chứa:
- Squamon
- Annoreticuin
- Solamin
- Squamon
- Roliniastin
- Annomonicin
- Anoreticuin
- Isoanoreticuin
Hạt Bình bát chứa:
- Reticulacin
- Uvariamicin
- Squamocin
- Trieporeticanin
- Dieporeticanin
- Nhiều chất thuộc nhóm N – acyltryptamin béo
Vị thuốc Bình bát
1. Tính vị
Toàn thân cây Bình bát có vị đắng chát, chứa độc tố, đặc biệt là ở vỏ thân và hạt.
2. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của một số loại nấm như Candida Albicans, Trichophyton Mentagrophytes, trực khuẩn lỵ và vi khuẩn gây nhiễm trùng hệ thống hô hấp.
- Tác dụng độc với tế bào: Chiết xuất từ hạt, vỏ thân và rễ Bình bát được cho là có thể tiêu diệt các tế bào ung thư phổi, ung thư kết tràng, ung thư hầu mũi và ung thư bạch cầu dòng Lympho.
- Tác dụng tiêu diệt côn trùng, ấu trùng, con ghẻ, chấy rận.
Theo y học cổ truyền:
- Chống viêm, kháng khuẩn, sát trùng
- Nhuận tràng, lợi tiểu, an thần, chống trầm cảm
- Thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể, hỗ trợ bài tiết
Chủ trị:
- Điều trị mề đay mẩn ngứa
- Trị bệnh lao phổi
- Hỗ trợ cải thiện các bệnh xương khớp
- Điều trị tiểu đường
3. Cây bình bát có tác dụng gì?
Toàn thân cây có vị chát và chứa một chất độc nhẹ. Quả chín có thể ăn được, vị chát, ngọt ít.
Quả xanh có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, trừ giun, điều trị kiết lỵ. Quả có thể thái mỏng, phơi khô, sắc thành thuốc dùng chữa sốt, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp.
Hạt Bình bát có thể điều trị kiết lỵ, tiêu chảy nhưng chứa độc, do đó thường chỉ sử dụng bên ngoài. Hạt phơi khô, giã nhuyễn, nấu nước đặc, dùng gội đầu có thể trừ chấy rận, ngâm quần áo trừ côn trùng nhỏ hoặc sử dụng nước trừ sâu tự nhiên. Hạt có thể đốt thành tro, dùng trộn với dầu dừa, bôi vào vết ghẻ lở để chóng lành.
Lá giã nát, ép lấy dịch có thể sử dụng để trừ chấy rận trên người và gia súc.
Ở Philippin, vỏ thân và rễ con Bình bát được sử dụng để chữa đau dạ dày, viêm lợi, đau răng và chữa sốt.
4. Cách dùng – Liều lượng
Bình bát có thể dùng tươi hay khô đều được, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
Liều lượng không quy định, phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và yêu cầu của toa thuốc.
Bài thuốc sử dụng Bình bát
1. Điều trị mề đay mẩn ngứa
Sử dụng một bó lá dừa khô nhỏ và một vài nhánh cây Bình bát tươi, rửa sạch, để ráo nước.
Trước tiên người bệnh cần đốt lá dừa khô để tạo lửa, sau đó đặt lá Bình bát đã ráo nước lên trên để tạo khói. Cởi quần áo hoặc hơ những vị trí bệnh mề đay qua khói đến khi đổ hết mồ hôi thì lau khô người, mặc quần áo mới.
2. Điều trị bệnh lao phổi
Sử dụng 20 g thân vỏ cây thái thành lát mỏng, phơi khô, đun sôi cùng 1.2 lít nước, dùng uống trong ngày.
3. Chữa đau nhức xương khớp, tay chân nhức mỏi
Sử dụng trái Bình bát đập dập, hơ qua lửa nóng, chườm vào vị trí đau nhức hoặc đau. Nếu khu vực đau ở lưng, người bệnh có thể đặt quả hơ nóng lên lưng rồi nằm nghỉ ngơi. Biện pháp này có thể cải thiện các cơn đau ở vùng cơ và khớp hiệu quả.
4. Điều trị bệnh tiểu đường
Sử dụng quả xanh, thái mỏng, bỏ hạt, phơi khô. Mỗi lần dùng 5 g đun nước dùng uống trong ngày. Đây là biện pháp đơn giản có thể hỗ trợ làm ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
5. Chữa bướu cổ
Sử dụng quả tươi, cắm xuyên qua một cây đũa, nướng cháy xém vỏ. Để nguội vừa phải, dùng lăn lên bướu. Mỗi ngày thực hiện 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút, mỗi lăn khoảng 2 – 3 quả, làm liên tục đến khi bướu tan hẳn.
6. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ, trị giun sán
Sử dụng quả Bình bát xanh, phơi khô, thái lát. Mỗi lần dùng 8 – 12 g sắc thành thuốc, dùng uống.
Lưu ý khi sử dụng Bình bát
Bình bát có chứa độc, do đó khi sử dụng cần hết sức thận trọng.
Không để nhựa, nước của cây bắn vào mắt để tránh kích ứng. Ngoài ra, khi sơ chế nên tránh để tiếp xúc trực tiếp với da, nhựa cây có thể gây dị ứng, kích ứng, mề đay mẩn ngứa.
Bình bát là một loại cây mọc hoang ở nhiều nơi với nhiều ứng dụng trong y học. Tuy nhiên, cây có chứa độc tính, do đó khi sử dụng cần trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn.