Mục lục nội dung
Bàn long sâm hay còn gọi là Sâm cuốn chiếu có tính bình, vị ngọt thường được sử dụng để điều trị ho, thổ huyết, cải thiện tình trạng cơ thể gầy yếu, suy nhược mệt mỏi.
- Tên gọi khác: Sâm cuốn chiếu, Lan cuốn chiếu, Mễ dương sâm, Thao thảo
- Tên khoa học: Spiranthes sinensis (Pers) Ames, (Spiranthes australis Lindl)
- Họ: Lan – Orchidaceae
Mô tả cây Bàn long sâm
1. Đặc điểm sinh thái
Bàn long sâm là loại cây sống lâu năm, thân ngắn, rễ thường có dạng củ mẩm, mọc lan tỏa ra từ gốc. Thân cây mảnh, chiều dài có thể từ 15 đến 45 cm, tùy vào điều kiện sống và thổ nhưỡng.
Lá mọc từ gốc, hình mác hẹp và dài. Lá có chiều dài ngắn không đều nhau, lá dài nhất có thể đạt đến kích thước 15 cm. Các lá ở phía trên thường thoái hóa, chỉ còn lại các bẹ lá ôm lấy thân cây.
Hoa Bàn long sâm mọc thành chùm, hình xoắn ốc. Chiều dài hoa có thể lên đến 5 – 10 cm. Hoa màu trắng phớt hồng hoặc đỏ. Quả thuôn hình trứng, bên ngoài có phủ một lớp lông mịn. Mùa hoa và quả vào mùa hè.
2. Phân bố
Bàn long sâm được tìm thấy ở Trung Quốc, Úc và Việt Nam. Tại nước ta, cây mọc hoang ở vùng đồng cỏ ở miền núi.
3. Bộ phận sử dụng dược liệu
Cả cây Bàn long sâm được ứng dụng để làm dược liệu.
3. Thu hái – Sơ chế
Thu hái Sâm cuốn chiếu vào mùa thu. Khi hái đào cả rễ mang về rửa sạch, cắt bỏ phần lá, để nguyên phần củ phơi hoặc sấy khô làm dược liệu.
4. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ và độ ẩm cao.
5. Thành phần hóa học
Hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu nào về thành phần hóa học có trong Bàn long sâm. Tuy nhiên, theo một phát hiện của các nhà khoa học Đài Loan, Bàn long sâm có chứa chất chống oxy hóa piranthes sinensis (Pers) Ames.
Vị thuốc Bàn long sâm
1. Tính vị
Sâm cuốn chiếu tính bình, vị ngọt hơi đắng.
2. Quy kinh
Dược liệu quy vào kinh Thận và Phế.
3. Tác dụng dược lý
Hiện tại theo y học hiện đại vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về tác dụng của Bàn long sâm. Tuy nhiên, theo Y học cổ truyền vị thuốc có các tác dụng như:
- Dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế, chống ho, giải độc.
- Bồi bổ cơ thể sau khi ốm.
- Dùng chống suy nhược cơ thể, điều trị âm hư gây nóng trong, đau đầu, ho, thắt lưng tê mỏi, nước tiểu được, lở loét, mụn nhọt ngoài da.
- Điều trị âm huyết hư tổn gây nóng bàn tay, bàn chân, miệng khô, ra mồ hôi trộm, môi lưỡi đỏ, mạch đập nhanh.
- Hỗ trợ cải thiện tình trạng đái tháo đường và điều trị bệnh táo bón.
- Điều trị nước tiểu đục, phụ nữ nhiều khí hư, nam giới di tinh, xuất tinh sớm.
Một số nơi có thói quen sử dụng Bàn long sâm như sâm. Thường dùng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, thổ huyết, điều trị bệnh thận. Trong dân gian Trung Quốc, mỗi số nơi dùng để cải thiện tình trạng chán ăn, miệng chải nước dãi, khó khăn trong việc nói hoặc khó thở.
4. Cách dùng – Liều lượng
Sâm cuốn chiếu có thể dùng để sắc nước uống, giã nát dùng đắp ngoài. Dược liệu có thể dùng khô hay tươi, dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.
Liều lượng khuyến cáo: 15 – 30 g tươi hoặc 10 – 15 g dược liệu khô. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi phụ thuộc vào đơn thuốc và chỉ định của thầy thuốc.
Bài thuốc sử dụng Bàn long sâm
1. Dùng để bồi bổ cơ thể sau khi bệnh nặng
Dùng Bàn long sâm 30 g, Giang đậu căn (rễ cây đậu đũa) 15 g hầm với 250 g thịt gà hoặc thịt lợn, dùng ăn như canh. Khi dùng bỏ bã thuốc chỉ phần thịt và uống nước canh. Cách 3 ngày ăn một lần để bồi bổ cơ thể.
2. Chữa chứng hư nhiệt khái thấu
Hư nhiệt khái thấu là tình trạng âm huyết hư tổn gây ra bệnh ho. Ngoài ra người bệnh cũng có thể bị sốt nhẹ khi về chiều, lòng bàn tay, bàn chân nóng ran, miệng khô, đêm ngủ hay ra mồ hôi trộm, môi lưỡi đỏ tía hoặc đỏ nhạt, mạnh đập nhanh và chậm.
Để chữa trị chứng hư nhiệt khái thấu, người bệnh dùng Sâm cuốn chiếu 9 – 15 g, Mạch môn đông 8 g, sắc lấy nước dùng uống trong ngày.
3. Điều trị đại tiện lẫn máu, sa ruột ở người lớn tuổi
Sử dụng Sâm cuốn chiếu 9 – 15 g, nấu chín cùng cá Diếc tươi 60 g, thêm đường trắng, chia thành nhiều lần dùng ăn trong ngày.
4. Chữa phụ nữ ra nhiều khí hư
Sử dụng Sâm cuốn chiếu 30 g, lòng Lợn 100 g, hầm chín, chia thành 2 lần dùng ăn trong ngày.
5. Điều trị bệnh tiểu đường
Sử dụng Bàn long sâm, lá cây Ngân hạnh, mỗi vị đều 30 g, tụy Lợn 1 cái, nấu thành canh, dùng ăn trong ngày.
6. Điều trị chứng sốt nóng trong mùa hè ở trẻ em
Sử dụng Sâm cuốn chiếu 15 g, Thài lài trắng 10 g, sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
7. Dùng bồi bổ sức khỏe, kích thích tiêu hóa, điều trị bệnh thận, hỗ trợ bổ máu
Dùng 15 g Bàn long sâm khô đun sôi với 1 lít nước, dùng uống trong ngày.
8. Điều trị bệnh ho
Sử dụng Sâm cuốn chiếu khô 12 g, Mạch môn khô 15 g, Cây lẻ bạn 10 g, sắc thành thuốc dùng uống trong ngày khi còn ấm. Mỗi ngày uống một thang liên tục trong một tuần sẽ thấy hiệu quả điều trị.
9. Cách ngâm rượu Bàn long sâm bồi bổ cơ thể, kích thích hoạt động của hệ thống tiêu hóa
Sử dụng Sâm cuốn chiếu 1 kg, bỏ lá, rửa sạch, để ráo nước sau đó ngâm với 4 lít rượu 40 độ. Ngâm liên tục trong một tháng là dùng được.
Rượu Bàn long sâm có vị ngọt thanh, mỗi ngày sử dụng khoảng 3 ly rượu nhỏ có thể cải thiện chức năng tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Kiêng kỵ khi sử dụng Bàn long sâm
Người bệnh có tình trạng thấp nhiệt ứ đọng kiêng không dùng Bàn long sâm.
Bàn long sâm là vị thuốc quý với nhiều công dụng đối sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về công dụng cũng như tác dụng y học của dược liệu. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng. Không nên tự ý sử dụng dược liệu để tránh những rủi ro không mong muốn.