Mục lục nội dung
Atiso đỏ hay còn gọi là cây Bụp giấm thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý về gan, hỗ trợ tiêu hóa, giúp lợi tiểu tự nhiên và cải thiện chức năng của túi mật. Dưới đây là thông tin chi tiết về đặc điểm, công dụng, cách dùng của dược liệu atiso đỏ.
- Tên gọi khác: Bụp giấm
- Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa L.
- Họ: Bông – Malvaceae
Mô tả dược liệu Atiso đỏ
1. Đặc điểm sinh thái
Cây Bụp giấm là cây sống hàng năm, có thể cao khoảng 1.5 – 2 mét, phân nhánh ở gần gốc cây, thân cây màu tím nhạt, bóng. Lá cây thuôn hình trứng, nguyên có răng cưa nhỏ, đều.
Hoa Bụp giấm (Atiso đỏ) mọc đơn độc, ở nách lá, gần như không có cuống. Tràng hoa có màu vàng hồng hoặc tía, đôi khi có màu trắng. Đài hoa hợp, có lông nhỏ, đầu hoa nhọn, đều. Mùa hoa vào tháng 7 – 10.
Quả nang có hình trứng, bên ngoài có một lớp lông thô.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Lá, đài hoa và hạt cây Atiso đỏ được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Cây Bụp giấm có nguồn gốc ở châu Phi, thường được trồng để lát phần đọt non và đài hoa để làm rau chua ăn kèm.
Hiện tại, Bụp giấm được di thực về nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam để làm dược liệu và thực phẩm.
4. Thu hái – Sơ chế
Atiso đỏ được thu hái vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Hái về có thể sử dụng tươi hoặc phơi, sấy khô bảo quản dùng dần. Bông Atiso đỏ phơi khô có thể bảo quản được lâu, sau khi ngâm nước có thể quay trở lại trạng thái ban đầu.
5. Bảo quản dược liệu
Hoa Bụp giấm khô rất dễ bị ẩm mốc và mối mọt. Do đó, cần bảo quản dược liệu ở nơi khô thoáng, tránh nơi có môi trường ẩm ướt và nhiều côn trùng.
6. Thành phần hóa học
Các lá đài của cây Atiso đỏ chứa các thành phần hóa học phổ biến như sau:
- Protein
- Acid chính tan trong nước như Acid Malic, Acid Citric, Acid Hibiscus và Acid Tartric
- Chất có tính kháng sinh như Chlorid Hibiscin và Gossypetin.
Hoa Atiso đỏ có chứa các thành phần chính như:
- Chất màu vàng là Flavonol Glucosid Hibiscitrin
- Sabdartrin
- Hibiscetin
- Gossypitrin
Quả khô có chứa:
- Chất có tác dụng kháng sinh Anthocyanin
- Oxalat Ca
- Gossypetin
- Vitamin C
Vị thuốc Atiso đỏ
1. Tính vị
Atiso đỏ tính mát, vị hơi chua, có mùi thơm nhẹ.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Đại trường và kinh Can.
3. Tác dụng dược lý của Atiso đỏ
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng hạ mỡ máu trong 1 – 3 tháng nhờ khả năng làm giảm Cholesterol toàn phần.
- Tác dụng hạ huyết áp trong 4 – 6 tuần.
- Tác dụng hạ đường huyết, giảm rối loạn Lipid máu, hỗ trợ điều trị ung thư và huyết áp cao.
- Bảo vệ gan ở bệnh nhân rối loạn chuyển hóa.
- Dịch chiết Methanol từ cây Atiso đỏ có thể ức chế một số tế bào ung thư dạ dày, trực tràng, bạch cầu, niêm mạc miệng.
- Tác dụng an thần, hạ sốt, giảm đau, tăng khả năng bài tiết ure của thận.
- Hỗ trợ giảm cân, chữa đau dạ dày, phòng ngừa điều trị béo phì.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch.
Theo y học cổ truyền:
- Nhuận tràng, lợi tiểu, lợi mật.
- Lọc máu, giảm áp suất tác động lên các mạch máu.
- Kích thích nhu động ruột, hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa.
- Giảm cân, phòng ngừa và điều trị béo phì.
4. Cách dùng – Liều lượng
Hoa Atiso đỏ có thể dùng để pha trà, sử dụng thay giấm, làm mứt, chế biến thành si rô, món ăn,…
Liều lượng không quy định, tùy vào nhu cầu sử dụng.
Bài thuốc sử dụng Atiso đỏ
1. Trà Atiso đỏ
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp, giảm cân, giảm mỡ trong máu, hỗ trợ nhuận tràng, lợi tiểu
Cách pha trà: Sử dụng 70 g hoa Atiso đỏ tươi hoặc 30 g hoa khô, rửa sạch, dùng hãm với 700 ml nước, dùng uống trong ngà. Có thể cho thêm đường để cải thiện hương vị.
2. Bài thuốc ngừa ho
Sử dụng một lượng vừa đủ hoa Bụp giấm tươi, rửa sạch, để ráo nước. Xếp hoa bụp giấm vào bình, cứ một lớp hoa là một lớp đường. Dùng ngâm liên tục trong 15 ngày là sử dụng được.
Mỗi ngày dùng uống 30 ml.
3. Rượu Atiso đỏ hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, nhuận tràng, chống táo bón
Sử dụng 600 g hoa Bụp giấm khô, rửa sạch, để ráo nước, dùng ngâm với 150 ml mật ong và 3 lít rượu 40 độ, trong khoảng 10 ngày.
Mỗi ngày dùng 1 – 2 chén rượu để kích thích tiêu hóa và hỗ trợ nhuận tràng.
Một số lưu ý khi sử dụng hoa Atiso đỏ
Khi sử dụng Atiso đỏ, không được sử dụng quá 2 g đài hoa khô / người trưởng thành 60 kg mỗi ngày. Điều này có thể gây ngộ độc do quá liều.
Nếu sử dụng trà hoa Bụp giấm nên chia ra thành nhiều lần uống trong ngày. Không nên dùng một lần với số lượng lớn.
Không được chế biến ở nhiệt độ quá cao. Điều này khiến các hoạt chất có lợi trong Atiso đỏ bị phá hủy và mất tác dụng điều trị bệnh.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú không được sử dụng. Nhiều nghiên cứu cho biết tác dụng của hoa Atiso đỏ có thể gây bất lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Thận trọng khi cần sử dụng chung với các loại thuốc khác. Atiso có thể làm giảm nồng độ Diclofenac trong huyết thanh. Với liều dùng Acetminophen (Paracetamol) để hạ sốt, tác dụng tương tự.
Atiso đỏ có nhiều tác dụng hữu ích tuy nhiên hiệu quả phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý và độ tuổi của người sử dụng. Do đó, nếu cần sử dụng dược liệu bổ sung, vui lòng trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn.